Đăng bài - Hoặc quảng cáo vui lòng liên hệ TVN Group - hệ thống website chất lượng cao:

0972434351tvnseos@gmail.comZalo

Hệ điều hành là gì? Những điều cần biết về hệ điều hành

0

Cập nhật vào 12/12

Hệ điều hành là một thuật ngữ chúng ta được nghe thấy rất nhiều khi nhắc đến các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính… Vậy hệ điều hành thực chất là gì và hệ điều hành có chức năng gì?

Hệ điều hành là gì?

Hệ điều hành (Operating System – OS) có nghĩa là một phần mềm nền tảng cho phép vận hành các ứng dụng khác trên một thiết bị điện tử bất kỳ. Thông qua hệ điều hành, người dùng có thể điều hành, quản lý các thiết bị phần cứng và tài nguyên phần mềm.

Toàn bộ quá trình giao tiếp giữa người và máy tính đều được thực hiện thông qua bước đệm trung gian là hệ điều hành. Nó cung cấp môi trường cho phép người sử dụng phát triển và thực hiện ứng dụng của họ một cách dễ dàng.

Là yếu tố quan trọng với máy tính, hệ điều hành có cấu tạo khá phức tạp với nhiều thành phần khác nhau.

Tuy nhiên, 3 thành phần quan trọng nhất của hệ điều hành vẫn là Kernel, User Interface và Application Programming Interfaces.

  • Kernel cung cấp những điều khiển cơ bản trên cấu hình phần cứng máy tính, từ đó đảm nhiệm các vai trò gồm: đọc – ghi dữ liệu, xử lý các lệnh, xác định dữ liệu được nhận và gửi bởi các thiết bị khác, đồng thời diễn giải dữ liệu nhận từ mạng.
  • User Interface (Giao diện người dùng) đảm bảo quá trình tương tác giữa người dùng với máy tính thông qua Desktop, Graphical Icons hay Command Line.
  • Application Programming Interfaces (Giao diện lập trình ứng dụng) cho phép các ứng dụng phát triển sử dụng Modular Code.

Chức năng của hệ điều hành

Những hệ điều hành đầu tiên được sáng lập vào khoảng năm 1950, khi các máy tính chỉ có thể vận hành một ứng dụng nhất định. Sau một thời gian dài phát triển và cải tiến, hệ điều hành đã trở thành mạng lưới liên kết ứng dụng đảm nhiệm những chức năng quan trọng đối với các thiết bị điện tử, đặc biệt là máy tính.

Góc chia sẻ: Hệ điều hành thường được phân chia thành 2 loại dành cho di động và máy tính. Vậy các loại hệ điều hành này có gì đặc biệt? Mời các bạn tham khảo bài viết sau:

Một hệ điều hành phải đảm bảo được 2 chức năng như sau:

Quản lý chia sẻ tài nguyên

Tài nguyên của hệ thống (CPU, bộ nhớ, thiết bị ngoại vi,…) vốn rất giới hạn, nhưng trong các hệ thống đa nhiệm, nhiều người sử dụng có thể đồng thời yêu cầu nhiều tài nguyên. Để thỏa mãn yêu cầu sử dụng chỉ với tài nguyên hữu hạn và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, hệ điều hành cần phải có cơ chế và chiến lược thích hợp để quản lý việc phân phối tài nguyên.

Ngoài yêu cầu dùng chung tài nguyên để tiết kiệm chi phí, người sử dụng còn cần phải chia sẻ thông tin (tài nguyên phần mềm) lẫn nhau. Khi đó hệ điều hành cần đảm bảo việc truy xuất đến các tài nguyên này là hợp lệ, không xảy ra tranh chấp, mất đồng nhất,…

Giả lập một máy tính mở rộng

Hệ điều hành làm ẩn đi các chi tiết phần cứng, người sử dụng được cung cấp một giao diện đơn giản, dễ hiểu, dễ sử dụng và không phụ thuộc vào thiết bị phần cứng cụ thể.

Thực tế, ta có thể xem hệ điều hành như là một hệ thống bao gồm nhiều máy tính trừu tượng xếp thành nhiều lớp chồng lên nhau, máy tính mức dưới phục vụ cho máy tính mức trên. Lớp trên cùng là giao diện trực quan nhất để điều khiển.

Ngoài ra có thể chia chức năng của hệ điều hành theo bốn chức năng sau:

  • Quản lý quá trình (process management)
  • Quản lý bộ nhớ (memory management)
  • Quản lý hệ thống lưu trữ
  • Giao tiếp với người dùng (user interaction)

Nhiệm vụ của hệ điều hành

  • Điều khiển và quản lý trực tiếp các phần cứng như bo mạch chủ, bo mạch đồ họa và bo mạch âm thanh,…
  • Thực hiện một số thao tác cơ bản trong máy tính như các thao tác đọc, viết tập tin, quản lý hệ thống tập tin (file system) và các kho dữ liệu.
  • Cung ứng một hệ thống giao diện sơ khai cho các ứng dụng thường là thông qua một hệ thống thư viện các hàm chuẩn để điều hành các phần cứng mà từ đó các ứng dụng có thể gọi tới.
  • Cung ứng một hệ thống lệnh cơ bản để điều hành máy. Các lệnh này gọi là lệnh hệ thống (system command).
  • Ngoài ra hệ điều hành, trong vài trường hợp, cũng cung cấp các dịch vụ cơ bản cho các phần mềm ứng dụng thông thường như trình duyệt Web, chương trình soạn thảo văn bản….

Phân loại hệ điều hành

Hệ điều hành có thể chia phân loại dựa trên nhiều góc độ

Dưới góc độ loại máy tính

  • Hệ điều hành dành cho máy MainFrame
  • Hệ điều hành dành cho máy Server
  • Hệ điều hành dành cho máy nhiều CPU
  • Hệ điều hành dành cho máy tính cá nhân (PC)
  • Hệ điều hành dành cho máy PDA (Embedded OS – hệ điều hành nhúng)
  • Hệ điều hành dành cho máy chuyên biệt
  • Hệ điều hành dành cho thẻ chip (SmartCard)

Dưới góc độ người sử dụng và số chương trình chạy cùng lúc

  • Hệ điều hành đơn nhiệm một người dùng:  tức là mỗi lần chỉ thực hiện được một chương trình hay nói cách khác các chương trình phải được thực hiện lần lượt. Chỉ cho phép một người đăng nhập vào hệ thống khi làm việc.
  • Hệ điều hành đa nhiệm một người dùng: tức là có thể thực hiện đồng thời nhiều chương trình. Hệ điều hành này chỉ cho phép một người đăng nhập vào hệ thống khi làm việc.
  • Hệ điều hành đa nhiệm nhiều người dùng: cho phép nhiều người đồng thời đăng nhập vào hệ thống. Việc này được quản lý thông qua tài khoản người dùng và mật khẩu tương ứng.

Dưới góc độ người dùng

  • Một người dùng
  • Nhiều người dùng
    • Mạng ngang hàng
    • Mạng có máy chủ: LAN, WAN,…

Dưới góc độ hình thức xử lý

  • Hệ thống xử lý theo lô
  • Hệ thống xử lý theo lô đa chương
  • Hệ thống chia sẻ thời gian
  • Hệ thống song song
  • Hệ thống phân tán
  • Hệ thống xử lý thời gian thực

Các hệ điều hành phổ biến cho điện thoại

Các hệ điều hành phổ biến cho điện thoại
Các hệ điều hành phổ biến cho điện thoại

Hệ điều hành Android

Android là hệ điều hành được phát triển bởi công ty Android, Inc. Năm 2005, công ty Google chính thức mua lại hệ điều hành này. Hệ điều hành Android dựa trên nền tảng Linux, dành riêng cho các thiết bị smartphone, máy tính bảng.

Hiện nay, Android là hệ điều hành trên thiết bị di động có số người sử dụng đông đảo nhất. Theo số liệu của Google, vào năm 2017, hệ điều hành Android chiếm lĩnh 87,7% thị phần. Ngày nay, Android cũng được tùy biến đa dụng hơn trên cả Tivi, máy game.

Các dòng smartphone dùng hệ điều hành Android như: Samsung, Xiaomi, Oppo, Nokia, LG, Huawei, Vsmart,…

Một số dòng smartphone dùng hệ điều hành Android

Hệ điều hành có những đặc điểm, ưu điểm và nhược điểm gì, tìm hiểu thêm tại Hệ điều hành Android

Hệ điều hành iOS

iOS là hệ điều hành chuyên dụng các thiết bị thông minh của Apple như iPhone, iPad, iPod, Macbook.

Bắt đầu ra mắt người sử dụng vào năm 2007, iOS đã tạo ra một cuộc cách mạng lớn về công nghệ phần mềm. Hiện nay số lượng thiết bị sử dụng hệ điều hành iOS chỉ đứng sau Android, chiếm lĩnh gần một nửa thị trường.

Tuy là hệ điều hành đóng, thế nhưng kho app vô cùng phong phú, hiệu năng ổn định và cực mượt mà. Chính nhờ điều này, iOS vẫn phát triển ngày càng mạnh mẽ cho tới ngày nay.

Tìm hiểu kỹ hơn về hệ điều hành iOS qua bài viết Hệ điều hành iOS và những điều cần biết.

Hệ điều hành Windows Phone

Windows Phone là phần mềm do tập đoàn Microsoft ban hành vào năm 2010. Đây là một nền tảng đóng nhưng chạy mượt mà, ổn định và chi phí rẻ. Đi liền với hệ điều hành này tiêu biểu là sản phẩm Lumia của Nokia. Tuy nhiên, các ứng dụng và app khá nghèo nàn nên không tạo ra sự thích thú cho người dùng và cả bên phát triển.

Do không bắt kịp xu thế, sau 7 năm hoạt động, hệ điều hành này bắt đầu đến thời kỳ thoái trào vào 10/2017.

Hệ điều hành Symbian

Thật thiếu sót nếu không nhắn đến hệ điều hành di động Symbian đình đám một thời. Trước đây có nhiều thiết bị chạy hệ điều hành này như Nokia, Samsung, Sony. Thời kỳ hoàng kim của Symbian là trước khi Android và IOS xuất hiện.

Tuy nhiên, cũng giống như Windows Phone, Symbian không theo kịp với sự phát triển của công nghệ di động của thế giới nên  không cạnh tranh được với Android hay IOS vì thế số lượng người dùng ít dần và Symbian đi vào giai đoạn thoái trào. Đến ngày 25/1/2013, Nokia chính thức khai tử Symbian. Chiếc điện thoại cuối cùng chạy Symbian chính là Nokia 808 Pureview.

Hệ điều hành BlackBerry OS

BlackBerry OS là hệ điều hành di động độc quyền do BlackBerry Ltd phát triển trên những chiếc điện thoại BlackBerry. BlackBerry OS cũng khá nghèo nàn về kho ứng dụng, tuy nhiên được các nguyên thủ quốc gia vô cùng tin dùng vì độ bảo mật cao.

Đọc thêm thông tin tại bài viết Các loại hệ điều hành cho điện thoại.

Hệ điều hành phổ biến cho máy tính

Hệ điều hành Windows

Nếu nói về độ quen thuộc thì Windows luôn là hệ điều hành được nhiều người biết tới nhất. Ưu điểm của Windows bao gồm: đơn giản, yêu cầu cấu hình thấp, vận hành mượt mà trên mọi thiết bị. Giao diện Windows khá dễ tương tác và đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng của đại đa số người tiêu dùng.

Trong các phiên bản hệ điều hành Windows thì Windows 10 và 7 được đánh giá là dễ sử dụng nhất. Trong khi Windows 7 tích hợp khá nhiều tính năng nổi bật thì phiên bản thứ 10 lại sở hữu khả năng bảo mật tuyệt đối và tính tương thích cao. Các phiên bản này yêu cầu cấu hình khá thấp nên bạn có thể yên tâm sử dụng trên các dòng máy tính tầm trung.

Hệ điều hành Apple OS/Macintosh

Đây là hệ điều hành dành riêng cho các dòng máy tính xách tay. Apple OS/ Macintosh nổi tiếng bởi độ mượt mà khi vận hành. Tốc độ thao tác nhanh hơn, sự ổn định gần như tuyệt đối, ít giật lag là những điểm khiến nhiều người yêu thích hệ điều hành này.

Tuy nhiên, so với Windows thì Apple OS/ Macintosh lại khó có thể tương thích với các thiết bị ngoại vi. Không chỉ thế, số lượng các phiên bản của hệ điều hành này còn khá ít khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn khi lựa chọn.

Hệ điều hành Linux

Linux được đánh giá là hệ điều hành có khả năng khai thác phần cứng vô cùng hiệu quả, thậm chí là ấn tượng hơn cả Windows. Hệ điều hành này có tính linh hoạt cao nên dễ dàng vận hành trên hầu hết các server máy tính thông dụng. Khi sử dụng Linux, người tiêu dùng có thể tránh khỏi nguy cơ dính virus hay các phần mềm mã độc nguy hiểm.

Xem thêm: Những điều cần biết về hệ điều hành Linux

Hệ điều hành này cũng hỗ trợ nền tảng mã nguồn mở hoàn toàn miễn phí giúp bạn dễ dàng tiếp cận tới mọi tính năng không giới hạn. Hơn nữa, Linux không yêu cầu quá cao về cấu hình nên dễ dàng vận hành trên các thiết bị có cấu hình yếu.

Hệ điều hành đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự tương tác giữa con người và máy móc. Vì vậy mà hiểu và lựa chọn hệ điều hành phù hợp sẽ tạo ra trải nghiệm dễ chịu cho người dùng. Cảm ơn các bạn đã theo dõi!

5/5 - (2 bình chọn)
Share.

Comments are closed.